Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các tổ chức tiền thân

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, các lãnh đạo Đảng đã quyết định sẽ thành lập một tổ chức ngoại biên là Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm tập hợp và lãnh đạo quần chúng. Trong Án nghị quyết về vấn đề phản đế tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 đã nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế[8] (một tên gọi được thay đổi của Mặt trận Dân tộc thống nhất). Ngay khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, ngày 18 tháng 11 năm 1930, Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng.[9][10][11] Về sau, ngày này trở thành ngày kỷ niệm truyền thống, còn gọi là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.[12]

Xô viết Nghệ Tĩnh bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt, nhanh chóng tan rã. Các tổ chức của Đảng Cộng sản bị truy lùng và khủng bố, hoạt động Hội phản đế đồng minh cũng vì thế mà bị tê liệt.

Khi phong trào Mặt trận bình dân Pháp lên nắm quyền, có xu hướng thiên tả và cởi mở hơn tại thuộc địa. Các tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương được phục hồi và hoạt động trở lại. Tháng 3 năm 1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất đã thông qua nghị quyết về công tác Phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua điều lệ của tổ chức nhằm tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông dương. Điều lệ của Phản đế liên minh rộng và linh hoạt hơn Điều lệ Hội phản đế đồng minh.[13] Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương nhằm tập hợp rộng rãi các giai tầng, đảng phái, các đoàn thể chính trị, tôn giáo khác nhau để đấu tranh đòi những quyền dân chủ tối thiểu, phù hợp với Mặt trận Bình dân ở Pháp.. Tháng 8 năm 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi bức thư ngỏ gửi cho Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp, bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và hô hào "tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương".[13]. Bức thư cũng nêu 12 nguyện vọng cụ thể làm cơ sở cho Đông Dương Đại hội, công khai việc tập hợp lực lượng của Mặt trận. Ngày 30 tháng 10 năm 1936, Mặt trận tuyên bố chính thức thành lập và phổ biến tài liệu Chung quanh vấn đề chính sách mới.[13]

Từ tháng 9 năm 1937, một loạt các tổ chức ngoại vi của Mặt trên như Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội ra đời cùng với việc hoạt động công khai và nửa công khai của các tổ chức quần chúng như hội ái hữu, tương tế, các hội hoạt động âm nhạc... Tháng 3 năm 1938, Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương. Sau khi chính phủ Mặt trận bình dân Pháp sụp đổ, chính quyền thực dân siết chặt hoạt động của các phong trào dân chủ. Tuy nhiên, dù rút vào bí mật, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tiếp tục chỉ đạo các hoạt động công khai và bán công khai của Mặt trận, dần đưa từ hình thức phong trào, đi vào tính chất của một tổ chức.

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tại Đông Dương, chính quyền thực dân ban bố tình trạng thời chiến, đàn áp thẳng tay Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 11 năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chuyển hướng chỉ đạo, chuyển các hoạt động của Mặt trận Dân chủ thành hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần phản đế muốn giải phóng dân tộc chống đế quốc, phát triển dưới hình thức bí mật và công khai.[14]

Việt Minh và Liên Việt

Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, được thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1941, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và làm cờ tổ quốc "khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".[10][15] Chủ trương của Mặt trận bấy giờ là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc), đồng thời tập hợp lực lượng, chờ thời cơ đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.[11]

Lực lượng Việt Minh phát triển nhanh chóng, trở thành lực lượng chính trị quan trọng giành chính quyền tại Việt Nam khi Thế chiến kết thúc và quân Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, Tổng bộ Việt Minh đã tổ chức Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Khi đã giành được chính quyền trên toàn quốc, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời hiệu triệu đồng bào cả nước.

Khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương, lực lượng Việt Minh là thành phần nòng cốt của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, huy động dân chúng kháng chiến chống Pháp. Trên thực tế, các đảng viên Cộng sản đều hoạt động dưới danh nghĩa cán bộ Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán. Do đó, nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, các lãnh đạo Cộng sản đã hình thành một Ban vận động thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt, gồm 27 người, với đại biểu Việt Minh là Hồ Chí Minh, chính thức ra mắt ngày 29 tháng 5 năm 1946.[16]

Năm 1951, Đảng Lao động Việt Nam ra công khai. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt ngày 3 tháng 3 năm 1951.

Các tổ chức ở hai miền Nam Bắc trong chiến tranh

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam Bắc với hai chính thể khác nhau. Mục tiêu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc là tiến tới hòa hợp thống nhất đất nước. Đảng Lao động Việt Nam quyết định chủ trương thành lập một tổ chức chính trị mới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gồm Đảng Lao động, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội,...) thay thế Mặt trận Liên Việt, tham gia cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sau đó nhiệm vụ của Mặt trận là huy động lực lượng toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Ngày 10 tháng 9 năm 1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích "đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".[17]

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên đồng bào và chiến sĩ chống chiến tranh phá hoại Mỹ và ủng hộ cuộc cách mạng tại miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tích cực tham gia cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và giúp đỡ các nhà tư sản dân tộc thông suốt chính sách làm cho cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành thuận lợi, đạt kết quả. Mặt trận cũng thực hiện việc động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, cải tạo văn hóa - tư tưởng tại miền Bắc.[17]

Thống nhất

Sau khi Việt Nam thống nhất, các lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị ngoại vi hợp pháp đang tồn tại ở Việt Nam gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã thành lập Ban trù bị Mặt trận Dân tộc thống nhất từ mùa thu năm 1976, gồm đại biểu của 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam để bàn việc thống nhất thành một tổ chức chính trị thống nhất. Trong kỳ họp từ 31 tháng 1 đến 4 tháng 2 năm 1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất ba tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.[18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Ong-Tran-Thanh-Man-t... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.baoangiang.com.vn/Giao-duc/Lich-su-Viet... http://www.vovnews.com.vn/?page=109&nid=36945 http://angiang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8... http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn/ http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn/web/vi-vn/c... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZRZj6JA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLjqJA...